CÔNG DÂN TOÀN CẦU - BAN ĐẦU MÔNG MUỘI
- Tuan Le
- Feb 4, 2019
- 7 min read
Người trong cuộc viết chút trần trụi và thiết thực
Tôi đọc một số những bài chia sẻ về công dân toàn cầu, rồi thêm nữa cả sách vài bạn trẻ đã và đang trải nghiệm viết ra, cả những định nghĩa rất hàn lâm về khái niệm này. Nói chung là tôi rất lơ tơ mơ khi những điều trên nó chưa phải là từ kiểu như là xuất phát từ con mình, chính mình hay nhà mình. Tuy nhiên, ý thức giáo dục và dạy dỗ con trở thành một con người như thế là đã có sẵn trong tôi không nhớ tự bao giờ.
Tôi lập nhóm “Học Tập & Hướng Nghiệp” cùng với một người bạn đồng hành, khung sườn xây dựng ban đầu cho nó với mong muốn là một quá trình dài hơi các ông bố bà mẹ nuôi dạy con từ cấp 1 (thậm chí sau đó thêm cả giai đoạn thai giáo) cho đến khi các bạn ấy đủ năng lực và trở thành những công dân toàn cầu được thỏa chí phát triển bản thân và trải nghiệm cuộc sống ở diện rộng khắp và đa dạng. Nhóm lập ra đầy tâm huyết, tôi và Bạn tốn rất nhiều thời gian và công sức, sau đó thì chúng tôi giảm nhiệt thành bởi người hóng, ngóng, ngó quá nhiều bên cạnh những thành viên tích cực (họ cũng mất thời gian và tốn công sức như hai admin chúng tôi). Thậm chí có ý định tạm đóng nhóm lại, nhưng rồi tiếc công sức tôi nói với Bạn thống nhất cứ tạm thời để nhóm tồn tại.
Tôi gia nhập một nhóm có tên gọi “Công dân Toàn Cầu”, vào đó cũng chẳng thấy động tịnh gì, dường như mọi người chờ nhau, hoặc có thể lặp lại như nhóm học tập kia là chủ yếu nghe, ngóng, ngó.
Tôi đưa con trai đi nhập học đại học Mỹ, có cơ duyên được gặp một bạn du học sinh Việt Nam và người bạn quốc tế đi cùng. Và thế là những mù mờ về khái niệm công dân toàn cầu con trai tôi và gia đình ngày càng tỏ rõ hơn theo một cách rất riêng. Từ một người bạn quốc tế gặp mặt trực tiếp đầu tiên trên đất Mỹ để lại ấn tượng đủ để khiến chúng tôi tìm hiểu sâu về một đất nước, tò mò sao mà du học sinh họ lại có thể giỏi đến vậy, gần như tỏa sáng ở nhóm thuộc hàng nhất và nhất ở nước Mỹ tụ tập toàn những anh tài. Chúng tôi chọn một mảng đời sống mà gia đình có cùng mối quan tâm, đó là giáo dục và trẻ em, nhất là những đứa trẻ khó khăn ở các làng quê nghèo khó. Vậy đó, công dân toàn cầu có hướng tới thì con tôi được bắt đầu từ những cảm xúc chân thật với những kết nối có thật, cả những điều người ta làm cho nhau hay trao và nhận ở trong đời sống thực.
Trần trụi và còn mông muội, nhưng tôi hiểu đại loại “toàn cầu” hay “công dân toàn cầu” nó là kiểu như thế này:
1. Đi du lịch thường xuyên thưởng thức điều lạ và cảnh đẹp
2. Ở đâu đó một thời gian trải nghiệm cuộc sống và con người
3. Làm việc ở một nước khác kết hợp du lịch và trải nghiệm
4. Đầu tư, kinh doanh dưới dạng thức start up, doanh nghiệp
5. Lãnh đạo này nọ có các cơ hội công du hay làm việc nước ngoài
… n thứ nữa tôi chưa biết và sẽ cập nhật thêm trong quá trình tìm hiểu
Ở đây, tôi chia sẻ cái mục thứ 3 là nội dung con và gia đình chúng tôi hay trò chuyện và hướng tới. Lời quá mà, “kết hợp du lịch và trải nghiệm”! Nhưng chìa khóa để mở toang cánh cửa này là “công việc”. Công việc gì? Nơi nào cần? Ai sẽ thuê? (Nhớ là tôi chỉ đề cập mục thứ 3 thôi nhé!)
Bạn muốn là một công dân toàn cầu, nhưng ngay cả trong nước bạn còn chưa chắc chắn mình là người như thế và có một công việc mà người tuyển dụng muốn thuê mình – vậy thì làm sao đi cạnh tranh với người ta bên ngoài nội địa?
Bạn muốn là một công dân toàn cầu, nhưng ngay cả khi đã bung được ra khỏi lũy tre hay giếng nước (xin lỗi, tôi tạm dùng những từ đó do chưa chọn được từ ngữ thích hợp), nhưng đất nước hay trường sở mà bạn tới học tập và trải nghiệm chưa là ưu việt lắm, thậm chí nó còn phải là có ưu thế hay cạnh tranh nhất thì mới tốt - vậy thì bạn có lợi thế hay không?
Bạn muốn là một công dân toàn cầu, nhưng du học xong ở một nước nào đó, cụ thể là nước Mỹ chẳng hạn, bạn còn chẳng cạnh tranh nổi một suất công việc với sinh viên quốc tế (chưa nói gì đến sinh viên bản địa) – vậy thì làm sao mà tự tin nước khác mới toanh hoặc những nước khác xa lạ cũng cần bạn làm việc cho họ?
Vậy thì quay trở lại, bạn phải định vị bản thân và tập trung vào thứ này hay thứ khác để có được khả năng hễ “sale” mình (xin việc) là có người “mua” (tuyển dụng) – khó khăn hay dễ dàng thì tùy!
Tôi chưa đề cập trong bài viết này về chuyện định vị bản thân, hay về năng lực của một người muốn trở thành công dân toàn cầu, nhưng có một điều, những thứ ấy cần phải chuẩn bị.
Nói về sự chuẩn bị, tôi khó diễn đạt, nhưng mà cũng có một chút chia sẻ thêm thế này - mạn phép bạn Admin và nhóm ấy, nếu coi đây là phản biện tích cực thì các bạn sẽ thấy có ích, còn nếu tôi lỡ này nọ mích lòng thì xin được bỏ quá nha! Tôi là thành viên trong nhóm đó và được đọc hình như tiêu đề bài viết hay cả một hoạt động gì đó liên quan đến công dân toàn cầu. Tôi đọc hết, cả comment, và một mục lục dài các mẹ chia sẻ về sự chuẩn bị, trời ơi – kỹ ơi là kỹ, chi li ơi là chi li, khiến tôi tự hỏi liệu mình có làm thế với con trai không? Không ạ! Không – không phải là đúng hay sai mà vì mỗi nhà là mỗi cách. Tôi thích cách nào đó để đứa trẻ chủ động vận động như chính là nó, bật ra từ nó, sắp xếp tự nó, tính toán kệ nó. Với con mình, tôi không chi tiết như thế, và chưa làm thế bao giờ, cả hồi còn nhỏ hay từ tiểu học trở lên, thường chỉ là vài gạch đầu dòng căn bản mà mẹ con thường trao đổi, tranh luận, có khi thống nhất được có khi không.
Nói chuyện với con mình, tôi hay đề cập những gì về cái vụ công dân toàn cầu? Tôi thử liệt kê, nhưng không chắc là chính xác hoặc đã hết, vì tôi nói chuyện với con dài lâu, nhưng thường không tập trung, chỉ thỉnh thoảng đề cập hoặc lướt qua:
1. Để như mục số 3 và sự chuẩn bị cho nó (trọng tâm vào công việc thuận lợi và bản thân thích ứng)
2. Để được chọn nơi đất lành chim đậu – quê hương vẫn phải giữ lấy làm gốc để có nơi được thuộc về
3. Để được là chính mình, sống cách mình chọn – hiện khó có được điều đó ở ngay tại quê mình (ai cũng rõ)
4. Để du nhập vào giới những người như thế và có khả năng như thế - có quê hương làm nền và cứ thế mà tung bay khắp
… Hình như không còn thêm nữa.
Căn bản là thế thôi, còn là tự con hết, thường là thuận theo tự nhiên nhưng mà có chủ ý đón nhận.

Cuối cùng, không nằm trong nội dung của bài chia sẻ này, nhưng mà là nó có liên quan. Trong cái khó nó ló cái khôn. Tôi cùng con và gia đình - chúng tôi bằng lòng và hạnh phúc được làm người Việt Nam: có gia đình nhỏ này, có những gia đình nhỏ trong hai gia đình lớn, có những người thân bà con họ hàng và bạn bè không bao giờ cảm thấy lạc lõng, cô đơn hay xa lạ. Xa hay gần, công nghệ san phẳng khoảng cách và kết nối toàn cầu, chúng tôi luôn cảm nhận được nhau và hướng về nhau. Quê hương đang có nhiều bất cập, khó khăn rất nhiều nhưng tiến bộ và phát triển thì cũng không ít. Chính cái khó khăn ấy làm cho chúng tôi có động lực muốn thoát ra, bươn tới, vượt lên chính mình, rồi mới có ý nghĩ và mong muốn du học, rồi phận sinh viên quốc tế phải tính toán nhiều giải pháp, rồi những áp lực hay những gì đó của chính cuộc sống trên đất Mỹ khiến chúng tôi ngó nghiêng nơi này nơi khác và manh nha trở thành công dân toàn cầu ngày càng rõ. Trụ lại ở đâu lâu hay mau vẫn còn chưa biết, hoặc có đi đâu đó được hay không vẫn còn mông lung, hay như định mệnh sẵn Việt Nam là đất mẹ còn nước Mỹ là quê hương thứ hai đã là may mắn, … Tuy nhiên, riêng về chuyện học hành và sự nghiệp, con tôi và cả gia đình đều mang ơn Việt Nam và biết ơn nước Mỹ. Khó diễn tả thế nào, nhưng bạn ấy và một lớp người như thế đến Mỹ và các nước tiên tiến sau này bằng con đường du học trong một điều kiện khác, một hoàn cảnh mới đặc thù riêng của những người đi sau – được thuận lợi hơn và có nhiều lựa chọn hơn, nhưng cũng cạnh tranh khốc liệt hơn. Các gia đình Việt kiều và con em ở Mỹ cuộc sống ổn định rồi, nước Mỹ nhiều người mơ ước thế, chắc hẳn ít người nào có những trăn trở như du học sinh quốc tế và các gia đình chúng tôi. Mong cùng thấu cảm!
Sáng sớm 02/01/2019
queanhcc8
Comments