CÔNG DÂN TOÀN CẦU (p2)
- Tuan Le
- Feb 8, 2019
- 10 min read
Hiểu lơ mơ chút về định vị bản thân Đang ở đâu, có cái gì, muốn

điều gì
Trong tôi là một đống lộn xộn những gì như đề cập ở tiêu đề. Lục lọi, nhớ lại, lôi ra hàng đống những thứ liên quan, cả một ít gì đó về quản trị (nào là SWOT analysis, nào là qui tắc Con Nhím, nào là này nọ), tôi vẫn còn loay hoay. Vậy nên, phụ huynh hay bạn facebook nào am tường hơn, hay có gì đó khác hơn, đừng hỏi tôi thêm, mà xin hãy giúp!
Bài trước tôi đã mạnh dạn viết chút gì đó còn mông muội và non nớt về công dân toàn cầu (tôi không đề cập đến những chia sẻ sách vở đâu ạ, mà là trong đời sống thực từ những case thực tế). Cũng may là nhà mình con tôi qua suốt một chặng đường dài có vẻ đã khá rạch ròi giữa “thứ con thích”, “thứ con có thể giỏi dần”, “thứ xã hội cần còn lâu hay sẽ mau” và những lựa chọn của con nhờ may mắn mà kha khá giao hòa giữa mấy thứ ấy, từ đó theo một cách tự nhiên con có được một chút vững vàng trong nhận thức về cuộc sống cũng như lựa chọn của bản thân, trong đó có nghề nghiệp. Quan trọng lắm luôn á, làm sao mà một đứa trẻ hay một người trẻ tuổi có thể chọn được công việc đúng sở thích của mình, phù hợp với năng lực bản thân và sát với thị trường việc làm – hay những thứ đó hướng đến những lựa chọn khác đằng sau công việc (cũng có những người “lựa chọn khác” mới là chính yếu!)
Công dân toàn cầu – như trong bài viết trước, ở đây tôi chỉ đề cập đến mục số 3. Thứ con thích và con giỏi, hay nghề con chọn hiện giờ liệu có chiều hướng đi lên về nhu cầu? Ở một nơi nào đó, một nước nào đó, một khu vực nào đó, hay ở nhiều nơi, nhiều nước, nhiều khu vực có nhiều vị trí cho công việc đó không? Các nhà tuyển dụng có nhu cầu và các hãng săn đầu người có ráo riết tìm nhân sự cho vị trí công việc đó không? Tự đánh giá mình với những câu hỏi, trả lời được và sau đó điều chỉnh linh hoạt hướng đến mục tiêu rõ ràng cùng với một lộ trình cụ thể thì đã là một phần định vị được bản thân trong môi trường việc làm toàn cầu (mục số 3 thôi nha, chứ thực ra, định vị bản thân vốn mông lung lắm, rất nhiều yếu tố, nào là kinh tế, nào là văn hoá, nào là tri thức, thậm chí còn cả là hình thức này nọ, … vân vân và mây mây). Mà cũng cần cẩn thận củi lửa, định vị bản thân lỡ sai sót nghiêm trọng hay nhầm nhọt quá chừng thì cũng tai hại lắm thay! Tôi yêu bóng đá, và trường hợp V.Q. tôi thấy khá thấm như một case study để hiểu chút về điều này. Cậu ấy mới chỉ là có năng khiếu về đá bóng và có lẽ còn chưa nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp kiểu bóng đá nhà nghề mà có vẻ như vội vàng được định vị là một sao Việt, tương lai là ngôi sao khu vực hay thậm chí là sao bóng của thế giới thì hỏng bét! Ngôi sao bóng đá có lẽ ít ai như cậu ấy đã từng hành xử (bán độ) để rồi kết cục sau đó khá tệ (tù đày).
Công dân toàn cầu - tôi chỉ đề cập chút về mặt tri thức (là thứ mà con trai và nhà tôi coi là khá quan trọng). Đó là bao gồm nhưng không chỉ đơn giản là trình độ học vấn (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, …) mà là cả những thứ cần thiết hơn nữa như kiến thức tổng hợp, trình độ ngoại ngữ và đủ các thể loại về “khả năng” (mà hiện giờ người ta hay đề cập thế kỷ 21 hay thời đại 4.0, khả năng được đánh giá một cách đa dạng và yêu cầu cũng khác trước). N và n những thứ gì nữa thì tôi không biết, chưa nghĩ ra và còn đang trong quá trình trải nghiệm cùng con.
Dông dài với một chút hiểu biết lơ mơ và mông lung như thể ở trên, tôi quay lại với một người bạn facebook của mình – người mẹ này tôi rất yêu quí bởi bạn ấy có một thứ mà tôi trân trọng là tốt bụng một cách tự nhiên. Bạn comment trong bài tôi viết chia sẻ trước về công dân toàn cầu, rằng: “Mục tiêu đi đâu mình cũng khám phá nhiều điều vui thú, và có được công việc yêu thích, có nhiều tiền để du lịch thì ai cũng thích. Nhưng những lớp người như chị em mình đã có chút ì khi yên vị, đảm bảo cuộc sống, an toàn cho gia đình và nuôi dạy con cái. Lớp trẻ bây giờ không biết có khác không? Muốn làm được điều số 3 trên thì như thế nào chị? Làm ở đâu cũng được miễn đáp ứng tiêu chí là được hay sao chị?” Thiệt tình là ngoài trải nghiệm với con mình và đúc kết lại như chút dông dài ở trên, tôi đã phải trao đổi với vài sinh viên hiện đang du học Mỹ (cả còn đang đại học, cả đã đi làm, cả đang học tiếp chương trình tiến sĩ). Ừ, tôi cũng nghĩ như bạn mình thôi, già rồi thì ì ạch, nhưng qua chuyện trò về chủ đề trên và có chủ tâm đi tìm câu trả lời, thì tôi thấy rằng thực ra lớp trẻ bây giờ không khác ngày xưa là bao về ước mơ bước ra khỏi lũy tre làng hay vượt xa làn ranh quốc nội, chỉ là cách tiếp cận có khác chút. Lúc trẻ ai cũng muốn bay nhảy, lớp “người như chị em mình” ngoài sức ì hiện tại thì ngày xưa còn là ít có cơ hội được tiếp cận với du học hay định cư nước ngoài nên có bay nhảy cũng chủ yếu tập trung ở trong nước thỉnh thoảng thò thọt du lịch một vài nước quanh quanh chủ yếu là theo tour ngó và ngắm, còn bây giờ thì con đường du học và cơ hội định cư rộng mở hơn, nên các bạn trẻ thích bay nhảy cả ở nước ngoài với một thời gian đủ để trải nghiệm sâu. Tuy nhiên, việc bản thân có yên vị và chăm lo gia đình con cái hay không và vào thời điểm thế nào thì cũng tùy thuộc với mỗi người. Giấc mơ công dân toàn cầu dành cho tất cả và thực ra không nhất thiết phải làm một mình – có vợ có chồng, có bạn có bè hỗ trợ nhau có khi lại đỡ buồn hay ít cô đơn hơn, cả là có mục tiêu phấn đấu rõ ràng hơn. Và theo kiểu định vị bản thân như tôi đề cập ở trên, thì những ai vốn có khả năng làm được cái chuyện công dân toàn cầu thì “ở đâu cũng được” là khá đúng, vậy nên tùy theo mỗi người mà có một ni tấc riêng về khoảng trời hay ranh giới tung bay - có thể là Mỹ, có thể là một nước nào đó, có thể là một khu vực nào đó, hay còn có thể là rất nhiều các nước. Định vị được bản thân, biết sức mình như vậy mà cứ lao vào Mỹ hay cứ nhất định đậu ở Mỹ cũng có khi toi, biết đâu còn nhiều nơi khác phù hợp với mình hơn, như chăm chỉ và chịu khó thì New Zeland hay Úc Đại Lợi rất phù hợp, hay chịu cày bừa tay chân cật lực rồi sau vài năm ổn định thì là châu Âu, … Một bạn chia sẻ thế này về Mỹ: “Con thấy bạn con có một số người cứ lao vào Mỹ mà Mỹ đâu phải option tốt nhất. Năng lực vừa vừa, sự khôn khéo cũng chỉ vừa vừa, sự trưởng thành cũng lại vừa vừa thì không thể trụ nổi ở Mỹ sau học hành. Nếu chọn con đường nhập cư bất hợp pháp cũng vất vả, vì nay đây mai đó, không biết lúc nào mới có hồi kết. Mỹ thì không thể đi làm tạm, tạm một chỗ mà không có sponsor H1B, sau khi OPT hết hạn làm thế nào, làm chui thì bị bắt. Vậy nên với Mỹ, ngoài các bạn thuộc dạng siêu giỏi có thuận lợi riêng, thì con đều thấy những bạn ở lại được là khôn và giỏi, cả may nữa.”
Cụ thể hơn, cũng là tôi với quan điểm riêng của mình và qua trao đổi với những người trong cuộc họ nói ra một cách chân thành, công dân toàn cầu mục tiêu tốt nghiệp đi làm hay học tiếp lên kịch trần là PhD bậc Tiến sĩ có những nét riêng mà chung.
Về du học rồi đi làm, tại thời điểm bây giờ tựu chung lại giáo dục của Mỹ là hơn. Cái hơn thứ nhất là về mặt văn hóa Mỹ cở mở hơn và đa sắc tộc. Ở đâu cũng có thể có sự phân biệt chủng tộc (racism) nhưng ở Mỹ rất dễ thấy và có thể tin là ít hơn vì dân Mỹ, nhất là dân ở các bang Blue và hai bờ biển, họ đã khá quen với dân châu Á rồi. Cái hơn thứ hai, xem xét hẳn Mỹ và Anh (nền giáo dục thuộc hàng đỉnh), chẳng hạn về trường lớp, ở Anh có một số trường top nhưng số trường tốt của Anh thì ít hơn ở Mỹ. Cái hơn thứ ba là về tư duy, Mỹ rất cởi mở và nghiên cứu khoa học càng lên giáo dục bậc cao Mỹ càng có ưu thế so với các nước khác, chất lượng publication ở Mỹ cũng cao hơn hẳn nhiều nước khác có nền giáo dục tiên tiến – những thứ này tạo cho Mỹ có một vị thế như là một cái hố thu hút nhân tài và một cái nôi công nghệ và ... nhiều thứ khác. Người giỏi đến đây làm việc ầm ầm và được trọng dụng. Thực tế là tốt nghiệp ở các nước khác, cả Anh hay Đức, không phải là không sang Mỹ làm được, nhưng sang được rất khó và phải dựa nhiều vào network (nếu không phải kiệt xuất như Ngô Bảo Châu thì khá là khoai). Thế nhưng ngược lại, tốt nghiệp ở Mỹ thì chạy sang Canada, Australia, New Zeland, châu Âu hay cả là về Việt Nam thì dễ hơn nhiều so với trụ lại Mỹ, chưa nói gì đến nơi khác nhảy vào thị trường việc làm ở Mỹ. Tóm lại, công dân toàn cầu thì Mỹ là số 1, mà ngay cả xếp hạng này nọ cũng không thể hiện được hết. Ví dụ du học ở Nhật thì có vẻ như Tokyo University học cực khó, Todai là trường số 1 của họ, việc học ở trường này trần ai khoai củ không thua gì trường top đầu ở Mỹ, nhưng job mobility chưa chắc đã hơn những trường cỡ top 30+/ ở Mỹ. Đấy, nếu muốn làm công dân toàn cầu thì kiểu kiểu như vậy! Bạn cỡ nào với Mỹ? Bạn cỡ nào với châu Âu? Bạn cỡ nào với những nước tiên tiến ở một vùng miền nào đó? Bạn cỡ nào để có thể đến bất cứ nơi nào đất lành chim đậu? Bạn bán ai mua – ai thuê bạn làm cho họ?
Về du học rồi đi dạy, khi tốt nghiệp Ph.D, một khi đã bước chân vào và làm giảng viên ở một trường khá tốt của Mỹ rồi thì bạn sẽ thường xuyên có cơ hội đi hội thảo khắp thế giới, trường này trường kia mời. Từ châu Âu hay nước Úc nhảy việc sang giảng dạy đại học ở Mỹ thì khó, chứ đang làm giảng viên ở Mỹ nhảy việc sang các nước khác thì dễ hơn nhiều. Nhưng cái giá phải trả cho giá trị đó khá đắt, đó là tính kỷ luật phải thật cao, phải có sự say mê nghiên cứu và khả năng sáng tạo, phải học và tự học liên tục, chặng đường academia phải tự mình chủ động, kiểu như bài toán nó không nhảy tới chỗ mình để mình giải mà mình phải tự đi tìm đề để giải. Đi làm thì đơn giản hơn nhiều, mọi công việc nó có cột mốc tiến độ chủ yếu là chạy deadline, và mình làm tốt hay không thì sau một vài tháng là biết kết quả. Còn trong academia thì deadline rất xa và mình phải cực kỳ chủ động và kỷ luật. “Ngược đãi” là nó đòi hỏi phải có say mê và không quan tâm quá nhiều đến tiền bạc, nhưng “hậu hĩnh” là sau đó thì quả ngọt dài dài cho những ai lựa chọn nó – sự chủ động là của mình, thời gian rất nhiều thuộc về mình, cả biên độ tự do cũng khiến nhiều người ai mà hiểu rồi chứ không phải là nghe nói hay suy đoán thì sẽ tự nhiên mà thèm muốn. Mỹ mà, thời gian mua cho bản thân mình là mắc nhất! Là như vậy, muốn làm công dân toàn cầu, bạn có định vị được bản thân mình trong lĩnh vực khoa bảng này hay chưa và đã chuẩn bị gì cho mục tiêu hay lộ trình của riêng mình? Nếu là Mỹ, bạn có thuộc khoảng 2% hay 3% trong số những người có năng lực phù hợp để học tiếp PhD lên bậc kịch trần là Tiến sĩ rồi sau đó trở thành những nhà khoa học (scientist nếu chọn đi làm) hay giáo sư đại học (professor nếu chọn đi dạy)? Bạn có chen chân vào được phân khúc hẹp chỉ khoảng số ít phần trăm những người trở thành giáo sư (ngành Computer Science, tôi nhớ không lầm, thì là 18% của 2-3% kia) hay không?
Bài viết đã khá dài, tôi kết thúc cái cụp nơi đây, kiểu như đã có đầu mà chưa đến cuối.
Thì chút cuối là đây, tôi xin nhắc lại cùng các phụ huynh và bạn bè facebook, tất cả những điều trên chỉ là quan điểm riêng từ lăng kính của cá nhân tôi và một số bạn tôi có dịp trao đổi. Như một món quà đầu năm mới, tôi mong rằng các gia đình gạn đục khơi trong được chút nào hay chút nấy cho các con mình.
Sáng 09/02/2019, mùng 5 Tết queanhcc8
Comments