Ngành STEM là gì và những ai nên chọn ngành STEM ?
- Tuan Le
- Jan 30, 2019
- 3 min read
Đi dạo qua các bài viết về chủ đề du học Mỹ trên mạng internet, chắc hẳn nhiều lần các quý vị phụ huynh đã gặp cụm từ "STEM" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mục đích của post này để nhằm giải đáp cho các vị phụ huynh khái niệm về "STEM".
1. STEM là gì ?
STEM đơn giản là viết tắt của Science, Technology, Engineer and Math (Khoa Học, Công Nghệ, Kỹ Thuật và Toán), nói đơn giản là giống khối ngành Tự Nhiên của Việt Nam chúng ta. Các bằng đại học dạng Bachelor of Sciences (B.S) hoặc thạc sĩ dạng Master of Sciences (M.S) ở Mỹ thì nhìn chung được xếp vào khối ngành STEM.
Ngoài những ngành chắc chắn 100% không thoát đi đâu được là ngành thiên về khối tự nhiên như Computer Science (khoa học máy tính), Civil Engineering ( Xây Dựng), Electrical Engineering (Điện), Biology (hóa học)... thì có một số ngành mà do tùy trường và chương trình đào tạo sẽ xếp vào STEM hay không. Đơn cử như ngành Finance, có trường Master of Finance họ gọi là Master of Science vậy là thuộc khối ngành STEM, nhưng sẽ có trường xếp vào dạng Master of Arts (không phải STEM). Một ví dụ khác là ngành hệ thống thông tin (Information System), nếu bằng đại học của bạn mà ghi Bachelor of Science thì bằng của bạn là STEM, nhưng nếu bằng lại ghi Bachelor of Arts thì không phải STEM.
2. Tại sao việc là STEM hay không phải là STEM lại quan trọng ?
Điều đầu tiên phải nói là, nếu bạn không có mục tiêu sau khi du học xong muốn ở lại Mỹ, thì việc bằng của bạn thuộc khối STEM hay không thì không có nhiều ý nghĩa cho lắm.
Còn nếu bạn thuộc nhóm muốn tăng khả năng ở lại Mỹ của mình sau khi du học, thì đây là lý do:
- Nước Mỹ đang thiếu nguồn nhân lực các khối ngành STEM, cho nên triển vọng ra trường xin được việc của các khối ngành STEM nhìn chung là cao hơn
- Về mặt tiếng Anh, đa phần dân Châu Á chúng ta không nói tốt như người Mỹ. Đây là một điểm trừ ở nhiều ngành thiên về networking và giao tiếp xã hội. Tuy nhiên với khối ngành STEM thì đây không phải vấn đề lớn, trừ khi bạn nói mà không ai hiểu.
- Điều này có lẽ là quan trọng nhất: OPT. Sau khi sinh viên quốc tế với visa F1 tốt nghiệp ra trường, họ được quyền sử dụng OPT (Optional Practical Training) để đi thực tập hoặc đi làm trước khi về nước hoặc đổi sang visa H1B. Trên thực tế, kể cả bạn có xin được việc 1 năm trước khi tốt nghiệp Đại học và công ty đồng ý sponsor visa H1B cho bạn, thì bạn vẫn cần OPT trong thời gian chuyển tiếp từ khi tốt nghiệp cho đến lúc nộp hồ sơ và bốc thăm ở năm sau đó. Nếu không có OPT thì sinh viên nước ngoài mới ra trường gần như không có cơ hội để xin việc ở các công ty ở Mỹ do chính sách visa và nhập cư rất khó khăn. Các khối ngành non-STEM thì OPT được 1 năm, nhưng với các ngành STEM thì thời hạn này lên tới 3 năm.
Trước đây khi visa H1B còn ít hồ sơ và không có tình trạng phải bốc thăm, thì chỉ cần bạn xin được việc và công ty đồng ý tài trợ H1B cho bạn thì việc bằng của bạn là STEM hay non-STEM không quá quan trọng. Tuy nhiên những năm gần đây các ứng viên phải bốc thăm và xác suất bốc thăm trúng bây giờ là 1/4. Điều này có nghĩa là nếu các bạn là non-STEM, OPT chỉ có 1 năm đồng nghĩa các bạn chỉ có 1 cơ hội bốc thăm xin visa H1B duy nhất, trong khi nếu là STEM thì các bạn có tới 3 lần để bốc thăm.
3. Vậy ai thì nên học ngành STEM ?
- Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là STEM phải phù hợp với năng lực và khả năng của bạn.
- Tiêu chí tiếp theo, đó là nếu bạn có định hướng muốn ở lại Mỹ (hoặc xin việc ở các nước Canada, Úc... vì những ngành trong STEM có nhiều ngành được cộng điểm thẻ xanh ở các nước này hơn)
- Nếu ngành học của bạn có trường cấp bằng thuộc STEM và có trường cấp bằng non-STEM, thì bạn luôn nên chọn trường cấp bằng trong khối STEM.
Tuan Le

コメント